Năm uẩn

Phật pháp ứng dụng năm uẩn

I. Con người là gì?

Để trả lời câu hỏi này có rất nhiều cách, tùy theo cách nhìn của người trả lời:

1. Con người là do ngũ uẩn hợp lại

2. Con người là tập hợp của lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)

3. Con người là tập hợp của tứ đại (đất, nước, gió, lửa)

4. Con người chính là do 12 nhân duyên.

5. Con người là tập hợp của các bộ máy: hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh hệ
v.v…

6. Bài học của chúng ta hôm nay nhằm trả lời câu hỏi trên theo cách thứ nhất.

II. Ngũ uẩn là gì?

Ngũ= năm; uẩn= nhóm, kết hợp.

Ngũ uẩn là năm nhóm kết hợp với nhau tạo thành cái mà ta gọi là con người. Đó là: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn.

1. Sắc uẩn: đó chính là hình hài vật chất, là cơ thể (body). Sắc uẩn do 4 đại họp thành (đất= chất cứng như thịt, xương, răng, tóc v.v...; nước: chất lỏng như mồ hôi, nước mắt, nước bọt v.v...; gió: hơi thở vào, ra; lửa: hơi nóng, nhiệt độ của cơ thể).

2. Thọ uẩn: những cảm giác về thân và tâm, như đau, nhức, êm ái, ngứa, vui, buồn, v.v... Có 3 loại thọ uẩn: lạc thọ (cảm giác vui sướng); khổ thọ (cảm giác đau khổ); xả thọ (cảm giác không vui sướng, không khổ đau).

3. Tưởng uẩn: khả năng ghi nhận, nhớ lại những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác v.v... do thân và tâm đem lại. Ví dụ: nghe ---> nhớ ---> vui (giận, buồn).

4. Hành uẩn: những việc cố ý của thân, miệng và ý (ví dụ lời nói định nói mà chưa nói ra thì cũng đã thành khẩu hành rồi).

5. Thức uẩn: cái biết của 6 giác quan (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức).

Nếu mắt nhìn mà không có mặt của nhãn thức thì tuy nhìn mà không thấy gì cả. Tuy tai chăm chú nhưng không có nhĩ thức thì cũng không nghe gì cả v.v...

Sắc uẩn là phần vật chất, 4 uẩn còn lại là phần tâm lý.

Mỗi cá nhân là sự phối hợp của năm uẩn ấy.

Năm uẩn không tồn tại độc lập mà thường kết hợp với nhau. Ví dụ: thọ đi liền theo tưởng và tưởng đi liền theo thọ (nghe chê thì buồn, khi hết nghe rồi mà nhớ lại tiếng chê cũng buồn v.v…).

Năm uẩn thay đổi luôn, cái này kết hợp với cái kia, không theo thứ tự nào, hiện ra rồi biến đi tạo ra một biển cảm giác gồm những hiện tượng tâm-vật-lý sanh diệt không ngừng nghỉ. Do vậy cái TA chỉ là một tiến trình luôn biến đổi chứ không phải là một thực thể trường tồn bất biến.

III. Bài học rút ra từ ngũ uẩn:

1. Tất cả chúng sanh đều là những hình thành kết hợp từ ngũ uẩn, mọi người đều giống nhau về vật chất (thân tứ đại) với sinh, già, bệnh, chết, và tinh thần (thọ tưởng, hành, thức) với ham vui sợ khổ, tham sống sợ chết. Vậy ta phải học để thực hành từ bi và hỷ xả; thương yêu chúng sanh như người thân của mình. Không làm cho người khác những gì mình không muốn người ta làm cho mình.

2. Con người với những ngũ uẩn rất vô thường. Có đó rồi mất đó (1 hơi thở ra không vào hay vào không ra là chết). Mặc dù vậy ta không chán nản hay than khóc cho số phận ngắn ngủi của con người, mà phải tinh tấn tu học, trau dồi lòng từ bi và trí tuệ, làm lợi mình lợi người để mỗi phút giây đều sống tỉnh thức và xứng đáng là đứa con ngoan của đức Thế Tôn.

3. Đức Phật dạy: Ngũ uẩn tụ, phiền não kết. Vậy, cố gắng tách rời 5 uẩn để được an lạc. Ví dụ: nghe chê thì buồn lúc đó thôi, đừng nhớ nghĩ để rồi cứ nhớ tới và mỗi lần nhớ là mỗi lần buồn lại.

4. Cố gắng giảm bớt sự kết tụ của 5 uẩn, ví dụ:

     a. Khi vui đừng hứa (để tránh những điều khó khăn sau này khi tỉnh táo lại).

     b. Khi giận đừng nói (để đừng biến mình thành mồi lửa sân hận).

5. Cố gắng tinh tấn ngồi thiền để theo dõi hơi thở, quán xét phản ứng của thân và tâm mình trước những cảm thọ và tập làm chậm lại những phản ứng ấy.

Xem thêm: