Kẻ ác hại người hiền - quý lời nói phải

KẺ ÁC HẠI NGƯỜI HIỀN
 

Vô cớ quấy nhiễu người đã là điều quấy. Tác hại đến kẻ hiền lương lại càng quấy hơn.

Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ có thuật lại một câu chuyện làm tỏ rõ nghĩa ấy.
“Lúc Phật còn tại thế. Ngày kia có một người thợ săn vào rừng tìm mồi cùng với đàn chó dữ. Trên đường đi anh gặp một tăng sĩ. Trong suốt buổi anh không săn được gì. Lúc trở về anh gặp vị tu sĩ ban sáng. Anh nghĩ rằng vì gặp tu sĩ nên xui xẻo. Anh tức giận xua đàn chó tấn công vị tăng, vị tăng liền trèo lên cây. Anh lấy tên bắn vào chân vị tăng. Đau quá vị tăng loay hoay trên cây làm rớt cái y phủ trên người thợ săn. Anh chàng lo gỡ cái y ra, đàn chó ngỡ là người tu sĩ rớt xuống nên bu vào cắn xé. Một lúc sau người thợ săn chết ngay tại chỗ.

Khi đàn chó kéo nhau về cả, tăng sĩ mới tụt xuống cây sửa thi hài người thợ săn nằm ngay thẳng, lấy y đắp lên trên rồi trở về tịnh xá bạch Phật đầu đuôi câu chuyện xin Phật chỉ dạy cho: Hành động như vậy có gây nên ác nghiệp không?

Phật dạy: “Kẻ nào xâm phạm người ôn hòa trong sạch vô tội, quả dữ dội trở lại kẻ cuồng dại ấy, như tung cát bụi ngược chiều gió, cát bụi sẽ bay vào mắt.”

Chỉ có hành động nhân từ hòa ái biết nhẫn nhục, chịu đựng, quả cảm, dám hy sinh vì đại nghĩa mới đem lại quả vị an lạc, tươi vui và hạnh phúc.

Xin các anh chị em hãy thận trọng trong mọi hành động tạo tác ở đời vậy.

Phật pháp ứng dụng kẻ ác hại người hiền quý lời nói phải


QUÝ LỜI NÓI PHẢI

 
Lời nói phải giúp ta biết được chân lý, dứt được mối hoài lo, thân tâm thư thái, việc giao tiếp với đời không sai lầm tai ách.

Biết giữ mình nói điều ngay phải đã khó. Biết nghe lời nói phải vâng làm làm lại là điều khó hơn. Bởi lời ngay phải thường khó nghe. “Trung ngôn nghịch nhĩ” là nghĩa ấy.

Trong sách Thi Tử (thầy của Thương Ưởng) có thuật lại câu chuyện:

“Tần Vương dùng thuyền đi chơi, các quan tả hữu theo hầu đông đủ cả, vua hỏi:

- Loan Doanh ta đã cấm cố một nơi, con ta là Loan Phường trốn chạy ra nước ngoài, có ai biết Loan Phường hiện giờ ở đâu không?

Các quan yên lặng không nói gì cả. Người lái thuyền là Thanh Quyên buông tay chèo, đứng dậy thưa rằng:

- Muôn tâu! Bệ hạ hỏi Loan Phường làm gì?

Vua nói:

- Từ khi ta đánh được họ Loan đến nay, nghe họ Loan người già chưa chết hết, người trẻ đã lớn lên. Ta lo họ phục thù, cho nên ta mới hỏi.
Thanh Quyên nói:
- Nếu nhà vua khéo sửa sang nước Tấn. Trong được lòng các quan. Ngoài được lòng trăm họ thì dù cho còn con nhà vua họ Loan mà làm được gì bệ hạ, nhưng nếu nhà vua không sửa sang chính sách nước Tấn, trong mất lòng quan, ngoài mất lòng dân, thì ngay những người ngồi trên thuyền này ai cũng là con nhà họ Loan cả.
Vua khen:
- Ngươi nói chí phải.
Sáng hôm sau vua cho đòi Thanh Quyên đến triều nội ban cho một vạn mẫu ruộng. Thanh Quyên từ không nhận, vua nói: “Một vạn mẫu ruộng ấy đổi lấy một lời nói kia, kể ra nhà ngươi còn thiệt mà quả nhân thì lợi nhiều, ngươi cứ lấy đi.”

Cương trực ngay chánh, biết dùng lời nói phải khuyên can vua, cải tổ chấn hưng đất nước, không sợ bị ghép tội khi quân chém đầu như Thanh Quyên rõ ở đời thật hiếm.

Lại biết đạt Lý mà bỏ Từ, bỏ Lễ biết nghe, biết sửa, biết hành cái đạo Quân Thương như Tấn Vương Công không phải là dễ vậy.

Xem thêm: