Đôi nét về phật giáo nhập thế trong kinh duy-ma-cật

Kinh Duy-ma-cật là một trong những bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Điều chúng ta dễ dàng nhận biết nhất khi đề cập đến nội dung kinh đó chính là vai trò của người cư sĩ trong việc thực hành giáo lý nhà Phật cũng như cách thức áp dụng vào đời sống hằng ngày. 

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng Phật giáo chỉ dành riêng cho chư Tăng, Ni – những người sống đời sống xuất gia, từ bỏ thế gian, hoàn toàn tách rời với thế giới bên ngoài. Nhưng chính kinh Duy- ma-cật mang lại cho chúng ta cái nhìn mới về việc người cư sĩ nên tu tập và sống như thế nào để vừa trọn vẹn đời sống tại gia và vừa có thể có lý tưởng tu tập để đạt những quả vị cao nhất như Duy-ma-cật đã đạt.

Tuy nhiên, có một điều chúng ta cần lưu ý đó chính là việc hiểu sai nghĩa bài kinh dẫn đến sự nguy hiểm trong việc thực tập. Chúng ta có thể nói rằng Phật pháp thì luôn cao siêu, tuyệt vời, làm gì có sự nguy hiểm. Nhưng thực ra nếu không hiểu đúng nghĩa và thực hành theo khả năng của bản thân thì chính việc đó sẽ ảnh hưởng đến con đường tâm linh của mình. Ví như người bắt rắn không khéo léo sẽ bị rắn quay ngược lại cắn người đó và dẫn đến những hậu quả khổ đau. 

Cũng vậy, lý tưởng Bồ-tát trong kinh Duy-ma-cật đề cập đến những cấp độ khác nhau, tuỳ theo khả năng thực hành của mỗi người và quan trọng hơn hết, ai cũng có phần lợi ích khi tìm hiểu về những lý tưởng đó như việc xây dựng cho mình cái thấy trí tuệ soi sáng cho bản thân trên con đường tu tập. Một phần nhỏ trong đó chính là lý tưởng nhập thế của những người thực tập Phật giáo.

Chúng ta thường nghĩ, “nhập thế” là từ dùng để chỉ cho những người đã ra khỏi thế tục và rồi họ quay trở lại để độ đời; có xuất thì mới có nhập; còn những người cư sĩ tại gia luôn ở trong thế tục thì cần gì gọi là nhập thế. Điều này không sai. Người cư sĩ luôn ở trong thế tục và thực hành Phật pháp với những gánh nặng về trách nhiệm của như bổn phận với cuộc đời. 

Khái niệm “nhập thế” ở đây chính là việc làm như thế nào mà người cư sĩ hoặc xuất sĩ mang Phật pháp vào cuộc đời, hướng dẫn những người xung quanh, “nhập” những tư tưởng của Phật đến những nơi thiếu thốn và trao ngọn đèn trí tuệ đến những chốn tối tăm. Đó là việc nhập thế mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này. 

Bởi vì phạm vi đề cập của kinh Duy-ma-cật quá lớn, bản thân người viết không kham nổi việc chuyển tải hết tất cả thông điệp vào một bài viết nên chỉ trích vài điều dạy liên quan đến tư tưởng nhập thế và với cái biết thiển cận xin được phân tích để quý đọc giả cùng chiêm nghiệm và nghiên cứu. Từ đó chúng ta có thể có đôi chút suy nghĩ về tư tưởng nhập thế của đạo Phật và ngang qua đó mỗi người cùng nhau mang Phật giáo đến với cuộc đời.

Kinh Duy-ma-cật không mở đầu bằng việc đề cập thẳng đến cư sĩ Duy-ma-cật mà ông được nhắc đến ở phẩm thứ hai sau phẩm Phật quốc thứ nhất. Từ phẩm thứ 2 trở đi, hình ảnh Duy- ma-cật luôn xuất hiện với những lời dạy hướng dẫn chúng ta thẳng đến lý tưởng Bồ-tát. Bồ-tát có thể được dịch là “hữu tình giác” và “giác hữu tình.” Ngay chính danh xưng Bồ-tát cũng đủ nói lên tinh thần nhập thế của giáo lý nhà Phật. 

Một chúng sinh hiểu biết Phật pháp và mang những lời dạy đó đến với người khác chính là cách thiết thực nhất trong việc hoằng pháp. Đối với những vị Đại Bồ-tát, họ “tạm hoãn” việc nhập Niết-bàn để lưu lại thế gian, dùng phương tiện độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau, nhận chân giá trị an lạc. Cư sĩ Duy- ma-cật trong kinh cũng được miêu tả như vậy.
Phật pháp ứng dụng đôi nét về phật giáo nhập thể trong kinh duy ma cật

Trong phẩm Phương Tiện, ông được miêu tả là một người cư sĩ tại gia, sống trong ngũ dục nhưng không bị dục lạc chi phối, dùng mọi phương tiện thiện xảo để hoá độ chúng sinh. Kinh viết: “…Vì muốn độ người, nên ông dùng phương tiện khéo thị hiện là thân Trưởng giả ở thành Tỳ-xá-ly, có của cải nhiều vô luợng để nhiếp độ các hạng dân nghèo; giữ giới thanh tịnh để nhiếp độ các kẻ phá giới; dùng hạnh điều hòa nhẫn nhục để nhiếp độ các người giận dữ; dùng đại tinh tiến để nhiếp độ các kẻ biếng nhác; dùng nhất tâm thiền tịch để nhiếp độ kẻ tâm ý tán loạn; dùng trí tuệ quyết định để nhiếp độ những kẻ vô trí; tuy làm người bạch y cư sĩ mà giữ gìn giới hạnh thanh tịnh của sa môn; tuy ở tại gia mà không đắm nhiễm ba cõi, thị hiện có vợ con, nhưng thường tu phạm hạnh; hiện có quyến thuộc, nhưng ưa sự xa lìa; dù mặc đồ quí báu, mà dùng tướng tốt để nghiêm thân; dù có uống ăn mà dùng thiền duyệt làm mùi vị…” 

Chúng ta thường khó chấp nhận một vị được xem là tu hành nhưng lại có những hành vi không phù hợp với hình ảnh của một người tu. Tuy vậy, đối với những bậc tu chứng thì những việc họ làm đều là phương tiện mang tính chất giải thoát cho những ai họ tiếp cận. Trong bản chất của hành động, họ đã không còn khởi lên một ý niệm nào liên quan đến sự sinh khởi của nghiệp. Cho nên, họ được xem là những vị bồ-tát vào đời độ sinh.

Khái niệm về bồ -tát cũng là sự nhắc nhở đối với mỗi chúng ta – người mang Phật pháp vào đời, rằng để có đủ khả năng nhập thế chúng ta cần phải rèn luyện bản thân, có đầy đủ kiến thức, cũng như sự tu tập thì bản thân mới có thể vào đời độ sinh. Điều này cũng làm chúng tôi nhớ đến việc phát khởi tâm bồ đề được Ngài Tịch Thiên đề cập trong tác phẩm trứ danh của Ngài: Nhập Bồ-tát Hạnh, đó là ‘bồ đề tâm nguyện’ và ‘bồ đề tâm hạnh.’ 

Sự khác nhau giữa hai loại phát tâm này được miêu tả như một người muốn đi và một người đang đi. Nếu chúng ta phát nguyện mang Phật pháp vào đời mà chỉ nguyện suông thì chưa đủ. Chúng ta cần bắt tay vào việc làm đó một cách thực tế và để làm được việc đó đòi hỏi khả năng của chúng ta thật vững vàng trong giáo pháp.

Đôi khi người cư sĩ Phật tử có khái niệm rằng việc hoằng pháp độ sinh là chuyện của chư Tăng, Ni. Điều này thể hiện rõ ở thái độ thụ động học và thực hành Phật pháp ở một số thành phần người cư sĩ. Chúng tôi có dịp sinh hoạt ở một vài chùa ở Colorado và nhận thấy rằng, số lượng Phật tử đến chùa hàng tuần không nhiều và việc chuyên nhất cũng không được duy trì (Tuy nhiên, có nhiều Phật tử cũng rất chuyên cần với tâm niệm học và thực hành giáo pháp) . Nhiều khi hỏi thì họ trả lời rằng “Ở đây người ta tu ‘kiểu Mỹ,’ thích thì đi không thích thì ở nhà.” 

Đa phần các chùa ở Mỹ chỉ có một ngày sinh hoạt hàng tuần là chủ nhật. Còn ở Việt Nam, các Phật tử có thể đến chùa mỗi tối để tụng kinh, nghe pháp. Tuy nhiên, việc “giao khoán” chuyện hoằng pháp cho chư Tăng, Ni thì hầu như tương đồng. Mỗi người Phật tử cần nhìn nhận lại vấn đề này và có cái nhìn rộng hơn trong vai trò của bản thân mình đối với Phật pháp. Đồng ý là người Phật tử còn bận nhiều vai trò trong xã hội, đơn giản họ chỉ cần hỗ trợ vật chất đến các tự viện để chư Tăng, Ni làm Phật sự thì xem như cũng hoàn thành phần nào việc hoằng pháp. Tuy nhiên, người Phật tử lý tưởng là người hiểu rõ Phật pháp, thực hành Phật pháp và có đủ khả năng để hướng dẫn những người sơ cơ hơn mình hiểu Phật pháp.

Đôi khi người Phật tử lại có nhiều cơ hội hoằng pháp hơn chư Tăng, Ni. Người cư sĩ Phật tử sống ở đời, tiếp xúc nhiều thành phần trong xã hội – như Duy-ma-cật, và nếu người cư sĩ hiểu giáo pháp cũng như thực hành rồi đem ra áp dụng vào từng trường hợp mà mình gặp phải, hoặc có thể hướng dẫn những người mà mình tiếp xúc trong cuộc sống thì giá trị lợi ích không thể nghĩ bàn. Có thể chúng ta hỏi tại sao gánh nặng hoằng pháp lại đặt lên vai người cư sĩ, trong khi đó là công việc chính của chư Tăng, Ni? 

Việc hoằng pháp hiển nhiên không phải là một gánh nặng. Thứ nữa, việc đó không phải là trách nhiệm của riêng ai. Mình cứ nghĩ rằng mình học giáo pháp và cảm thấy có hạnh phúc an lạc trong việc thực hành rồi mình đem những điều đó đến với người khác để giúp họ an lạc thì làm sao đó lại gọi là một gánh nặng. Đôi khi mình còn phải dùng phương tiện để giúp đỡ người khác hướng đến Phật pháp chứ đừng nói đến việc xem đó là gánh nặng. Điều này dẫn chúng ta đến một hình ảnh nữa của Duy-ma-cật đó là “hiện thân bệnh.”

Kinh mô tả rằng Duy-ma-cật là một người có tiếng tăm ở thành Tỳ-xá-ly nên khi ông bệnh hầu như tất cả thành phần trong xã hội từ vua quan, thần dân, các tu sĩ,... đều đến thăm hỏi. Chính vì muốn độ những bậc vua chúa nên ông hiện thân bệnh để họ đến thăm và nhân đó ông thuyết pháp cho họ nghe. 

Đọc vào bài kinh chúng ta sẽ thấy những lời khuyên khá thiết thực và sâu sắc mà Duy-ma-cật dành cho chúng ta khi mình rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ví dụ như ông khuyên rằng bồ-tát bệnh là do chúng sinh có bệnh và vì lòng từ bi mà bồ-tát hiện thân bệnh, hoặc khi bồ-tát thăm hỏi bệnh của chúng sinh thì nói pháp vô thường của thân mà không khuyên chúng sinh ghét bỏ tấm thân này,... Vậy chúng ta học được gì từ những lời dạy này? Có thể trong một bài viết ngắn bản thân chúng tôi không đủ khả năng để chuyển tải hết ý nghĩa của bài kinh. Tuy vậy, qua hình ảnh thị hiện thân bệnh để thuyết pháp độ sinh chúng ta có thể thấy rằng, muốn giúp đỡ người khác đôi khi mình cần phải hiểu rõ hoàn cảnh của họ và muốn hiểu rõ cũng như muốn giúp họ thì điều quan trọng đó chính là lòng từ bi.

Có một lần tôi vô tình thấy hình ảnh người mẹ và cô con gái (cả hai là người Việt) đang nói chuyện về một người khác. Người này đi đến chùa để sinh hoạt cùng mọi người và ông ta là người Mỹ. Người mẹ hỏi người con gái “Con hỏi xem ai chở ông ấy đi và về như thế nào, nếu không có ai chở thì mình giúp đỡ ông ấy một ít tiền để đi xe bus.” 

Đây là một hành động xuất phát từ lòng từ bi và yêu thương. Chắc chắn người mẹ biết được sự khó khăn của người đàn ông đó (vì ông ta phải sử dụng gậy mới đi lại được) nên mới phát khởi lòng từ bi để giúp đỡ. Cũng vậy, chúng ta – mỗi vị bồ-tát sơ cơ, nên học hỏi hạnh của Duy-ma-cật và những người có hành động từ bi xung quanh mình để phát khởi tinh thần từ bi trong mỗi người. Được như vậy thì những việc chúng ta làm đều mang lại lợi ích cho nhiều người và thể hiện đúng tinh thần nhập thế của người Phật tử.

Thông thường chúng ta quan tâm bản thân mình nhiều hơn người khác. Điều này là lẽ hiển nhiên. Nhưng có nhiều lúc chúng ta xem những phiền não của mình là bạn thân còn những người đạo hữu của mình là kẻ thù. Điều này làm lu mờ tinh thần vị tha trong mỗi người. Vì sao lại như vậy? Lấy một ví dụ đơn giản, nóng giận là một dạng phiền não, nhưng chúng ta đôi lúc lại xem nó là bạn. Khi một vị bạn đồng tu của mình vô tình làm mình giận, mình nghĩ rằng mình giận là chuyện thường, mình ôm ấp cơn giận đó và xem người bạn tu đó là kẻ thù. Mình nghĩ cách để làm người kia đau khổ thì mình mới vơi được cơn giận. 

Vậy có phải mình đã vô tình xem giận là bạn và xem bạn là thù? Nhưng mình lại không nhận ra điều đó, mình nghĩ đó là lẽ đương nhiên và mình chấp nhận nó. Tuy vậy, chính sự nóng giận mới là kẻ thù và mình cần “tiêu diệt” nó bằng ánh sáng trí tuệ. Còn người bạn và những người xung quanh mình mới thực sự là bồ-tát giúp đỡ mình trong con đường tu tập. 

Có thể đôi lúc họ làm mình khổ nhưng hãy nghĩ rằng đó là sự thử thách mà mình gặp phải trên đường tu, nếu mình vượt qua thì mình đang tu tiến còn nếu mình thất bại thì mình phải xem lại. Chúng tôi nêu lên vấn đề này để nói rằng mỗi hành giả cần tỉnh giác với những phiền não của mình, chúng nó là những “tên giặc” ngăn cản bước đường nhập thế của chúng ta. Nhận diện  được  chúng  và  chuyển  hoá chúng là một trong những điều mà bồ -tát nhập thế cần phải làm. Được như vậy thì con đường nhập thế mới rộng mở và hanh thông.

Qua một vài hình ảnh của Duy -ma-cật, chúng ta cùng nhau nhìn lại khả năng và sự phát nguyện mang Phật pháp vào đời giúp đỡ mọi người. Việc tu tập của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn nếu mình biết giúp đỡ người khác cùng tu và cùng hiểu Phật pháp.  

Có thể chúng  ta không bằng Duy-ma-cật nhưng chúng ta có thể  làm được một phần nào đó đơn giản hơn  để  bản thân và những  người xung quanh đều có lợi lạc từ nguồn giáo lý nhiệm mầu của đức Phật. Hoằng pháp lợi sinh không phải là trách nhiệm của một tầng lớp nào trong Phật giáo, đó là công việc và sự phát nguyện của tất cả những ai thấy rằng Phật giáo có lợi lạc cho số đông, mang an lạc cho tất cả, thì người đó phát tâm truyền bá. 

Còn khi chúng ta nghĩ đó là một gánh nặng thì không bao giờ mình đủ niềm tin kiên cố để thực hành điều đó được. Mong rằng mỗi vị bồ-tát sơ cơ như chúng ta sẽ là một cánh tay mang ánh sáng của đức Phật đến mọi góc khuất của xã hội và xoá tan đi bóng tối vô minh trong cuộc đời.

Xem thêm: