“Cái Tôi” là gì

Điều khó hiểu nhất đối với tôi trong Phật giáo là sự phủ nhận bản ngã hay chối bỏ “cái tôi.” Vô ngã là một trong ba trạng thái hiển nhiên trong tất cả sự vật gồm vật chất lẫn tinh thần (vô thường, khổ và vô ngã) mà Đức Thích Ca đã dạy cho chúng ta. Thoạt đầu, cũng như mọi người lớn lên, tôi thấy "rõ ràng" mình là giao điểm chính khi nói đến bất cứ ai hay cái gì. Ví dụ như khi nói đến phương hướng, mình dùng chính bản thân của mình làm trung tâm vũ trụ. Nếu mình đứng quay mặt về hướng mặt trời mọc thì bên trái của mình là hướng bắc, bên phải là hướng nam, và sau lưng là hướng tây. Nếu mình nói đến một ai khác thì mình là trọng tâm và người kia là đối tác. Tôi không biết làm sao phủ nhận được chính mình khi suy nghĩ hay nói đến người nào hay cái gì bên ngoài tôi . Vậy sao một mặt Phật giáo chủ trương không có cái tôi, còn một mặt khác lại bảo rằng chính cái tôi nó gây ra tham, sân, si làm cho đời nhiều đau khổ? Tôi bối rối nghĩ mãi nếu cái tôi là nguyên nhân của khổ đế, và khổ đế là sự thật hiển nhiên thì cái tôi cũng phải là sự thật chứ? Vô lẽ cái không có thật lại có thể sinh ra cái có thật?



Bây giờ tôi mới hiểu rằng cái mà thường tình mình gọi là bản ngã hay cái tôi tự nó không phải là một thực thể đơn thuần, độc lập, bất di bất dịch. Trong quan điểm của Phật giáo cái tôi không phải là một thực tại mà nó chỉ là một khái niệm, một ảo ảnh; cái mà chúng ta cho là có thật chính là cái khái niệm, cái ảo ảnh này và nó là cội nguồn đau khổ của đời người. Nó giống hệt như ảo ảnh trong sa mạc. Quá thèm nước vì khát khô cổ, người lữ hành nhìn thấy hình ảnh một ốc đảo từ phương xa và cố hết sức mình đi tìm về hướng của ảo ảnh, và lẽ dĩ nhiên là không bao giờ tìm thấy để rồi phải chết khát. Chính vì biết nó là một ảo ảnh nên có người không lệ thuộc vào nó cho nên họ khiêm tốn, hay nhường nhịn, dễ tha thứ kẻ khác. Trong khi chính vì không biết nó là một ảo ảnh, có nhiều người thổi phồng nó lên, kiêu ngạo, đố kỵ, hiếu thắng, lấn lướt kẻ khác, hoặc nhiều tự ái, dễ giận dỗi, ít khi tha thứ cho mình và cho kẻ khác. Đây chính là nghĩa thật của sự hiểu biết về "vô ngã" trong Phật giáo. Ta có thể so sánh "cái tôi" như một ly cà phê sữa đá ta đang uống. Con mắt của tôi thấy rõ ràng trên bàn một ly cà phê sữa đá nhưng ly cà phê sữa đá này không phải là một thực thể đơn thuần, độc lập tự nó nảy sinh ra và không bao giờ thay đổi. Thực sự nó là một tập hợp gồm cái ly, cà phê, sữa và nước đá đang luôn luôn thay đổi theo cách của nó. Tương tự như vậy, "cái tôi" là một tập hợp từ những phản ứng của tâm đối với những nhận thức từ sáu giác quan. Mỗi người chúng ta là một cá nhân rất đặc thù nhưng mỗi cá nhân đặc thù là do cá tính chứ không phải do một thực thể có thật hoàn toàn độc lập và bất di bất dịch mà mình gọi là “cái tôi.” Cái gì lập nên cá tính? Đó là sự nhận thức và sự phản ứng của tâm (được thể hiện qua thái độ và hành vi còn gọi là nghiệp) được hình thành dựa trên ngũ uẩn rồi trở nên kinh nghiệm bản thân của đời sống hiện tại hay kiếp này và kinh nghiệm của những đời sống trong quá khứ hay kiếp trước.

Người thượng cổ tin mọi hiện tượng trong trời đất đều do thần linh tạo ra, nhất là những hiện tượng có sức mạnh vô song như bão tố, sấm sét, nước, lửa, sự chết, v.v... Vì vậy, khi nghe sấm sét họ sợ. Nhưng rồi do tiến bộ của khoa học chúng ta biết sấm sét không phải do thần thánh gây ra cho nên ngày nay ta hết sợ khi nghe giông tố. Vì không biết sự thật (vô minh) của sấm sét nên người đời xưa sống trong lo sợ khi nghe giông tố. Hiện tượng sấm sét ngày xưa vẫn còn đó nhưng nhờ vào kiến thức khoa học chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến) về sấm sét nên ngày nay không còn nhận thức sai lầm để bị sợ hãi trong tâm của chúng ta như vào thời thượng cổ. Khi nhận thức thay đổi thì thái độ và kinh nghiệm cũng thay đổi. Vì vô minh nên chúng ta không hiểu cái tôi chỉ là ảo ảnh nên mới sống với tham sân si và trầm luân không hạnh phúc.

Có người lúc chưa ăn trái sầu riêng bao giờ thì cho mùi trái cây này thật khó chịu (khổ). Do khứu giác không chấp nhận mùi sầu riêng (khổ thọ) nên tâm phản ứng khó chịu—rồi biểu hiệu bằng thái độ tiêu cực và hành vi chê bai ghét bỏ. Quá trình này được ghi lại trong trí nhớ một kinh nghiệm không tốt về sầu riêng! Ngược lại, những ai thích ăn sầu riêng thì mùi trái cây này dễ chịu hấp dẫn (lạc thọ) tạo ra thái độ tích cực vui vẻ và hành vi khen ngợi mến thích để lại cho họ một kinh nghiệm thật vui về sầu riêng! Thức ăn Việt Nam mà thiếu nước mắm thì người Việt Nam không sao thưởng thức được ngoại trừ những ai ăn chay trường. Ngược lại, người ngoại quốc không quen với khẩu vị Việt Nam sẽ rất sợ mùi nước mắm. Kinh nghiệm về ăn nước mắm của tôi và một người bạn Mỹ sẽ rất khác nhau. Hai thanh niên choàng vai nhau đi dạo phố Sài Gòn ngày xưa là chuyện thường tình trước con mắt của người Việt, nhưng những lính Mỹ mới sang Việt Nam sẽ bảo sao Việt Nam có nhiều người đồng tính đến như thế!

Những ví dụ vừa kể trên cho chúng ta thấy nhận thức của ngũ uẩn đưa đến phản ứng của tâm thể hiện qua thái độ và hành vi, và kinh nghiệm về cùng một hiện tượng bị ảnh hưởng rất nhiều của hoàn cảnh, thời gian, không gian, văn hóa, giáo dục, môi sinh của cá nhân cũng như của tập thể. Từ đó chúng ta ngộ nhận cá tính do kinh nghiệm cá nhân trong kiếp này và muôn ngàn kiếp trước tạo nên là bản ngã. Vì cá tính riêng của tôi, tôi ghét sầu riêng nhưng ưa nước mắm. Nhưng nếu tôi sinh ra và lớn lên ở miền Đồng bằng Cửu Long, chắc tôi đã yêu mến sầu riêng.

Tất cả những kinh nghiệm của cá nhân tôi tạo cho tôi một cá tính riêng biệt, và đặt căn bản trên cá tính này tôi có những nhận thức về mọi hiện tượng chung quanh tôi. Chúng ta ai cũng biết nhận thức và kinh nghiệm thay đổi theo thời gian và không gian. Và vì sự thay đổi này, cá tính của mỗi người cũng thay đổi, có lúc nhanh, có lúc chậm. Chúng ta hãy nhìn sự thay đổi của chính cá nhân chúng ta và gia đình chúng ta từ hồi còn sống ở Việt Nam cho đến bây giờ sau bao nhiêu năm cư ngụ tại Hoa Kỳ. Cá tính do kinh nghiệm tạo thành, và kinh nghiệm tạo thành nhận thức về những gì mình nghe được, thấy được, ngửi được, nếm được, sờ được, và biết được về những gì xảy ra hay đã từng hiện hữu ở chung quanh chúng ta. Nhưng những gì xảy ra hay hiện hữu ở quanh ta đều thay đổi và không độc lập một mình nó mà tất cả đều do nhiều nhân duyên khác nhau dựa vào nhau để sinh tồn cũng như hủy diệt. Do đó cá tính chỉ là một tổng hợp của nhiều thái độ trải nghiệm trong quá trình nhận thức của ngũ uẩn và phản ứng của tâm, và nó không phải là một thực thể độc lập và trường tồn. Vì tôi ngỡ cá tính là bản ngã nên trước kia tôi không hiểu được nghĩa chính xác của danh từ “vô ngã” trong Phật giáo.

Như vậy, cái tôi không phải là một thực thể độc lập. Chính sự ngộ nhận cho là nó có thật nên ai cũng xem cá nhân mình là trung tâm vũ trụ trong liên quan của mình với thế giới hiện tượng bên ngoài. Chính vì không biết và mình không thấy được sự trống rổng và vô thường của vạn vật, và vì do thói quen dùng cái tôi ảo huyền để nhận định và xét đoán mọi việc xảy ra trong tương quan giữa cá nhân mình với ngoại cảnh trong đời sống luôn luôn thay đổi mà mình cứ cho là có thật và vĩnh cửu. Khi chúng ta tìm ra sự thật là những gì mà mình nghĩ có thật thì chỉ là ảo tưởng, và những gì mình nghĩ là trường tồn thì không nằm ngoài định luật vô thường. Ngược lại vì vô minh, chúng ta không chịu chấp nhận những sự thật mà mình không thay đổi được theo ý nghĩ và ước muốn của mình nên cố lòng tranh đấu chống lại một cách vô vọng. Vì cái tôi không có thật mà mình lầm tưởng là có thật, và vì mọi pháp đều vô thường mà minh lầm tưởng là vĩnh cửu nên mình mới thất vọng và đau khổ. Vô minh chính là gốc rễ của mọi ưu phiền!

Khi chúng ta hiểu được lời Phật dạy rằng cái tôi là ảo tưởng, chúng ta mới có thể không còn dùng nó làm căn bản cho tất cả tư tưởng, lời nói và hành động của mình. Cái tôi luôn luôn là những nguyên nhân chính gây ra đau khổ làm mất hạnh phúc cho mình và tha nhân. Vì cái tôi, chúng ta mới sinh lòng tham, giữ lại cho mình thật nhiều, muốn nhiều thứ thuộc về tôi và trở thành "của tôi." Vì tham mình chẳng bao giờ thấy đủ cho nên lúc nào mình cũng không vui vì thấy mình còn thiếu thốn quá! Vì ở Việt Nam có bao người thiếu công ăn việc làm, con cái thiếu học, gia đình thiếu thuốc thang khi đau ốm, mọi người thiếu tự do nên bà con chúng ta muốn di dân sang Mỹ. Khi qua sống ở Mỹ, trừ tự do, nhiều người vẫn thấy không đủ, và có thể cảm thấy thiếu hạnh phúc hơn xưa khi nhìn quanh thấy toàn giàu sang phú quí! Vì tham nên mình ôm giữ, quí mến, bám víu rồi trở thành lệ thuộc, và rất sợ mất vì vậy nên có sân, si . Khi của tôi bị mất thì tôi tiếc thương, nhung nhớ, buồn tủi, tuyệt vọng, lắm lúc nổi khùng điên; khi bị mất vì cưỡng bách, chiếm đoạt hay trộm cướp thì đâm ra tức giận, thù ghét và sinh tâm ác muốn trả thù. Mình có thể không cầu lợi, không mê giàu sang phú quí nhưng mình còn ham danh. Ai ca tụng thì mình ưa mến muốn gần gũi họ; ai nói xấu thì mình không bao giờ muốn thấy mặt và trở thành thù nghịch.


Theo Phật giáo, tham, sân, si là cội nguồn của bất bình, thiếu hạnh phúc, đau khổ; và cội nguồn của đau khổ là cái tôi hư ảo vô thuờng và lòng tham phát sinh từ đó. Vì thế, những người xem trọng cái tôi thường ngạo mạn, tự cao tự đại, hay chê bai kẻ khác gây ra thù ghét, có nhiều kẻ thù hơn bè bạn. Họ ít khi cảm thấy vui trong lòng và tìm được hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc chỉ đến với họ trong những lúc họ hơn, họ thắng trong tranh đua hằng ngày, hay trong những lúc họ tự cho mình hơn kẻ khác, và cho rằng những ai không đồng ý với quan điểm tự đánh giá của họ đều là ngu dốt. Trong lúc đó những  người  khiêm nhường  ít  khi  phê phán chê bai, phản ảnh tinh thần từ bi có nhiều bạn ít thù và lòng họ bình thản thảnh thơi hơn (tâm xả). Thường thường chúng ta nghĩ rằng tính tự kiêu (có cái tôi lớn) hay khiêm nhường (không xem cái tôi quá quan trọng) là bẩm sinh. Như tôi trình bày ở trên, bản tính "trời sinh" này chỉ là kết quả hỗn hợp nhào nặn ra của bao nhiêu kinh nghiệm trong kiếp này và bao nhiêu kiếp trước. Nó không phải là một thực thể tự nó sinh ra, tự nó tồn tại và mãi mãi không thay đổi. Sự thật  này  đem  may  mắn  cho  chúng  ta  vì mình có thể tu sửa để thay đổi bản tính của mình và không còn lệ thuộc vào ảo tưởng về bản  ngã  để  tìm  thấy  hạnh  phúc  thật  sự trong đời sống này như lời dạy của Đức Thế Tôn.

Xem thêm: